Ở Việt Nam, cây bắp là cây lương thực quan trọng thứ hai (chỉ sau cây lúa). Sự gia tăng không ngừng của diện tích trồng, năng suất và chất lượng bắp thành phẩm là thành quả của quá trình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất. Điều này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với bà con trồng bắp bởi khả năng cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Hãy cùng Sinh Học Châu Á – Asia tìm hiểu ngay các kỹ thuật trồng bắp ngay nhé!

- Tên khoa học: Zea Mays L.
- Tên thường gọi: ngô, bắp, bẹ,…
Đặc điểm thực vật học của cây bắp

Nguồn gốc xuất hiện của cây bắp được ghi nhận từ khoảng 10.000 năm trước tại miền Nam Mexico. Sau đó lan truyền qua khu vực châu Mỹ theo hành trình khai phá của nhà thám hiểm Christopher Columbus.
Tại Việt Nam, vào thế kỷ XVII, bắp được du nhập từ Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam. Tư liệu lịch sử ghi rằng, vào năm Đinh Dậu (1597), Phùng Khắc Khoan và Trần Thế Vinh đi sứ sang Trung và đem về các hạt bắp đầu tiên.Cũng vì lý do cây bắp du nhập từ xứ Ngô nên còn được gọi là cây “ngô”.
Về mặt khoa học, cây bắp thường được biết đến với danh pháp Zea Mays L., thuộc họ Poaceae (hòa thảo). Mời bạn đọc tìm hiểu một số thông tin về đặc điểm thực vật học của bắp:
1. Hệ thống rễ cây bắp
Cây bắp có hình thái bộ rễ là chùm như bao họ cây hòa thảo khác. Một điểm đặc biệt ở hệ thống rễ của bắp là có sự xuất hiện của rễ mầm (rễ mộng, rễ hạt ). Loại rễ này chỉ tồn tại trong thời kỳ cây từ 4 – 5 ngày, sau đó tiêu biến, nhường chức năng cho hệ thống rễ hoàn chỉnh. Một hệ thống rễ được xem là hoàn chính khi có đầy đủ các loại rễ: rễ phụ, rễ đốt, rễ chân kiềng cùng các hệ thống lông hút xung quanh. Rễ bắp có thể lan rộng tới 2m và ăn sâu lên đến 2m để hút nước, chất dinh dưỡng,…
- Rễ phụ
Có hình dạng tương tự rễ chính, xuất phát từ giữa lá mầm, đảm nhiệm chức năng đâm sâu vào đất để cố định và hút dinh dưỡng.
- Rễ đốt
Thời điểm rễ đốt xuất hiện rơi vào thời kỳ cây được 3 – 4 lá, mọc quanh thân phía dưới mặt đất, cứ 5 – 7 ngày sẽ xuất hiện một chu kỳ rễ đốt mới.
- Rễ chân kiềng

Đặc điểm của loại rễ này là to, nhẵn, không có rễ con và lông hút. Rễ tham gia vào quá trình cố định cây và hút dưỡng chất. Rễ chân kiềng mọc ở xung quanh đốt thân phía trên của cây.
- Rễ con
Rễ con phát sinh từ các hệ thống rễ kể trên, chúng mang rất nhiều lông hút, trung bình khoảng 400 lông hút/1 mm2.
2. Thân bắp
Thân bắp có một thân chính, thân đặc và có đường kính khoảng 2 – 4cm. Thân chính phát sinh từ chối mầm, đồng thời xung quanh thân chính sẽ có các nhánh (tùy thuộc vào từng loại giống mà có từ 0 – 10 nhánh).
Chiều cao thân có thế cao từ 2 – 4m có sự khác biệt giữa các giống, ví dụ như:
- Nhóm giống bắp thân thấp, chiều cao thân < 170cm.
- Giống trung bình có chiều cao dao động từ 170 – 210cm.
- Nhóm có chiều cao thân cao trên 210cm.
3. Lá ngô
Lá bắp được phân ra làm các loại: lá mầm, lá thân, lá ngọn và lá bi. Lá của loại cây này mọc đối xứng xen kẽ nhau. Cấu tạo chung của lá bắp được chia thành: bẹ lá, phiến lá và thìa lìa.
- Lá mầm: là lá xuất hiện đầu tiên khi cây còn nhỏ, chưa phân biệt được phiến lá và bẹ lá.
- Lá thân: là lá mọc trên những đốt thân của cây bắp, có mầm nách bên trong.
- Lá ngọn: là những lá mọc ở đốt ngọn và bên trong không có mầm nách.
- Lá bi: là những lá bao xung quanh quả bắp.

4. Hoa bắp
Cây bắp là cây có hình thức sinh sản thụ phấn chéo nhờ côn trùng và gió. Trên một cây bắp có đồng thời cả hoa đực (bông cờ) và hoa cái (bắp).
- Hoa đực (bông cờ)
Bông cờ gồm có một trục chính, quanh trục có nhiều nhánh chứa nhiều giá (bông nhỏ) (khoảng 500 – 1400). Số lượng hạt phấn trên mỗi bông cờ lên đến hàng chục triệu hạt.
Trên mỗi giá sẽ có một chùm cuống dài và một chùm cuống ngắn, trên mỗi chùm có chứa 2 hoa, mỗi hoa có 3 nhị (đực), mỗi nhị sẽ có một bao phấn tương ứng.

Các hoa ở đầu trục chính và đầu các nhánh sẽ nở trước, hạt phấn theo gió phát tán ra xung quanh.
Hoa nở rộ khi có đủ ánh sáng và độ ẩm không khí thích hợp ( 75 – 85%). Nếu trời đẹp, nắng sớm thì hoa nở trong khoảng 6 giờ sáng; nếu trời âm u, nắng muộn thì khi có nắng lên hoa mới bắt đầu nở. Thời điểm nở của hoa có quyết định quan trọng đến khả năng thụ phấn của cây.
- Hoa cái (bắp)

Hoa cái (bắp) được hình thành từ giữa các nách của thân phân. Phần cuống của bắp gồm nhiều đốt ngắn, mỗi đốt sẽ được bao bọc bởi một lá bi. Phần lõi của hoa cái sẽ có các bông nhỏ
Trên mỗi bắp sẽ có phần râu (vòi nhụy). Râu bắp có lông tơ và dịch tiết tạo thuận lợi cho hạt phấn bám vào giúp tăng cường tỷ lệ nảy mầm ở cây. Ban đầu râu bắp có màu xanh tươi, dài nhìn như búi tóc. Sau khi thụ tinh, râu bắp chuyển sang màu nâu đỏ hoặc vàng, rồi héo dần.
5. Hạt bắp
Cấu tạo hoàn chỉnh của một hạt bắp bao gồm các bộ phận sau: vỏ hạt, lớp aleurone, phôi và nội nhũ.
- Vỏ hạt: là lớp vỏ nhẵn, nằm ở bên ngoài bao bọc lấy các phần bên trong, tùy vào từng loại giống mà vỏ hạt có các màu sắc khác nhau.
- Lớp aleurone: phía sau lớp vỏ hạt là lớp aloron, chúng bao lấy phần nội nhũ và phôi của hạt bắp.
- Nội nhũ: chứa đầy các chất dinh dưỡng, chủ yếu là tinh bột để hỗ trợ quá trình nuôi phôi trong giai đoạn cây mầm. Người ta dựa vào đặc điểm và màu sắc của nội nhũ để phân loại các giống bắp.
- Phôi: Phôi chiếm khoảng ⅓ thể tích hạt, gồm có lá mầm, trụ dưới lá mầm, rễ mầm và chồi mầm.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về đặc điểm thực vật học của cây bắp. Hy vọng bài viết sẽ đem đến cho bạn đọc những cái nhìn cặn kẽ và khoa học hơn về loại cây trồng này. Sinh Học Châu Á – Asia kính mời quý bạn đọc đón xem phần tiếp theo của kỹ thuật trồng bắp tại đây!