5 giống lúa phổ biến trong canh tác

Với một chiều dài lịch sử đồ sộ, trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo, ngày nay trên thị trường có vô số giống lúa được nông dân canh tác. Sinh Học Châu Á kính mời quý độc giả cùng chúng tôi tìm hiểu một số giống lúa phổ biến hiện nay!

Các giống lúa trồng phổ biến hiện nay

1. Giống lúa IR 50404

IR 50404 là một giống lúa được trồng từ rất lâu đời ở khu vực phía nam. Giống lúa này được chọn lọc từ tập đoàn giống nội nhập của viện lúa IRRI.

Giống được công nhận theo Quyết định số 126 NN-KHCN/QĐ, ngày 21 tháng 5 năm 1992.

IR 50404 cso thể trồng được nhiều mùa vụ trong năm. Một số đặc tính nông học của giống:

  • Thời gian sinh trưởng của cây trung bình khoảng 95 – 100 ngày. 
  • Chiều cao cây: 85 – 90 cm.
  • Chiều dài hạt gạo: trung bình khoảng 6,74mm.
  • Trọng lượng cho 1000 hạt: dao động từ 22 – 23 gram.
  • Hàm lượng Amylose (%): 26,0.
  • Năng suất trên một hecta dao động khoảng 50 – 55 tạ.
Giống lúa IR 50404

Giống lúa IR 50404 có khả năng chống chịu rét kém, chịu chua và phèn ở mức trung bình, cây giòn dễ đổ ngã. Giống có tính kháng rầy nâu và đạo ôn, mẫn cảm với vàng lá và khô vằn.

Trước đây diện tích trồng IR 50404 khá nhiều nhưng dần thu hẹp lại do có nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu thị trường hơn, trong khi hạt gạo của giống này có tỷ lệ bạc bụng cao, cứng cơm.

2.Giống lúa OM 5451

Giống lúa phổ OM 5451

OM 5451 được hình thành từ tổ hợp lai Jasmine 85 và OM 2490 bởi Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Đặc tính nông học tiêu biểu của giống:

  • Thời gian sinh trưởng: 93 – 100 ngày (đối với lúa cấy), 88 – 95 ngày (đối với lúa sạ).
  • Chiều cao cây: 90 – 95cm.
  • Chiều dài hạt gạo: 7,0 – 7,1 mm.
  • Trọng lượng cho 1000 hạt: 25 – 26 gram
  • Hàm lượng Amylose: 17 – 18%
  • Trên một hecta lúa cho năng suất khoảng 6 – 8 tấn ở vụ Đông Xuân và 5 – 6 tấn ở vụ Hè Thu.

Giống lúa OM 5451 có khả năng đẻ nhánh khá, cây cứng. Giống thích hợp trồng nhiều vụ trong năm. Giống có tính chống chịu đạo ôn cấp 4 và kháng rầy nâu cấp 3. Hạt gạo OM 5451 dẻo, trắng, thơm, mềm và ngon.

3. Jasmine 85

Jasmine 85 được nội nhập từ Viện lúa Quốc tế và được Viện lúa ĐBSCL chọn thuần. Giống lúa du nhập vào Việt Nam những năm đầu thập niên 1990, sau đó được trồng nhiều ở khu vực ĐBSCL.

Một số đặc điểm nông học quan trọng của Jasmine 85:

  • Thời gian sinh trưởng: 105 – 110 ngày.
  • Chiều cao cây: 110- 115 cm.
  • Chiều dài hạt gạo: 6,9 cm
  • Trọng lượng cho 1000 hạt: 26 gram
  • Hàm lượng Amylose: 10 – 22 %
  • Lúa cho năng suất trung bình từ 4 – 6 tấn trên một hecta.

Jasmine 85 có tán lá đứng, đẻ nhánh trung bình. Hạt gạo thơm, mềm, ngon ngọt, gạo không bạc bụng. Jasmine 85 mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn, xoăn lá, vàng lùn. 

4. Đài Thơm 8

Đài Thơm 8 được lai tạo từ hai tổ hợp OM 4900 và BVN. Đây là giống lúa cảm ôn, có thể gieo trồng được nhiều vụ trong năm.

Đặc điểm nông học của giống như sau:

  • Thời gian sinh trưởng của giống: 90 – 95 ngày
  • Chiều cao cây: 95 – 105cm.
  • Chiều dài hạt gạo: 6,7 mm
  • Trọng lượng cho 1000 hạt lúa : 23 – 24 gram.
  • Hàm lượng Amylose: 16,29%
  • Năng suất trung bình trên một hecta dao động khoảng 7 – 9 tấn.

Giống lúa Đài Thơm 8 đẻ nhánh tốt, bông hữu hiệu nhiều, thân cứng có khả năng chống đổ ngã tốt. Giống có khả năng chống chịu với nhiều loại sâu bệnh, chịu được phèn và mặn.

Hạt gạo của Đài Thơm 8 thon dài, có độ trong, không bạc bụng. Cơm nấu có độ dẻo, mùi thơm  nhẹ, vị ngọt.

5. Giống lúa ST 25

Giống lúa ST 25

ST 25 là một niềm tự hào của gạo Việt khi được 2 lần vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Để có được giống lúa này, kỹ sư Hồ Quang Cua đã bỏ ra hơn 20 năm nghiên cứu và phát triển giống lúa thơm đặc sản Sóc Trăng để cho ra đời giống lúa mới ST 25.

Đặc điểm nông học quan trọng của ST 25:

  • Thời gian sinh trưởng: 105 – 110 ngày
  • Chiều cao cây: 105 – 110 cm
  • Trọng lượng cho 1000 hạt: 23 – 25 gram.
  • Hàm lượng Amylase: 16 – 18%
  • Giống cho năng suất trung bình trên một hecta dao động khoảng 6,5 – 7 tấn.

ST 25 đẻ nhánh trung bình, bộ lá lúa cứng, bông to dài, hạt đóng khít vỏ. ST 25 có đặc tính chịu mặn.

Hạt gạo ST 25 thon, dài, trắng trong. Cơm nấu mềm dẻo và có hương thơm đặc trưng.

Trên đây là các thông tin cơ bản về các giống lúa canh tác phổ biến mà Sinh Học Châu Á gửi đến quý bạn đọc. Để có một mùa vụ thắng lợi, bà con cần cân nhắc trong khâu chọn giống sao cho phù hợp nhu cầu thị trường, điều kiện sinh thái địa phương và đặc tính nông học của giống lúa để chủ động trong các biện pháp canh tác.

Xem thêm đặc điểm sinh thái của lúa tại đây!