Tổng quan về cây lúa

“ Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

Cây lúa từ lâu đã gắn bó khăng khít với đời sống lao động của người Việt. Sự phát triển của nghề trồng lúa song song cùng sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật. Vậy trồng lúa cần những kỹ thuật nào để không chỉ nâng cao năng suất mà còn cải thiện chất lượng hạt gạo, nâng tầm gạo Việt trên trường đua quốc tế? Hãy cùng Sinh Học Châu Á – Asia tìm hiểu quy trình trồng lúa mới nhé!

Lúa là một biểu tượng văn hóa của làng quê Việt
  • Tên khoa học: Oryza sativa L.

I. Nguồn gốc của cây lúa

Lúa trồng (Oryza sativa L. ) là một trong nhữ ng loại cây trồng có nguồn gốc cổ xưa nhất. Cây lúa thuộc lớp thực vật Một lá mầm (Monocotyledones), họ Hòa thảo (Poacal), sống hằng năm.

Lịch sử về nguồn gốc ra đời của cây lúa có rất nhiều:

  • Theo Khush G.S (1997), chi Oryza xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ cách đây 130 triệu năm.
  • Theo G.Second (1986), hai loài phụ của chi Oryza là O. Indica và O.Japonica xuất hiện ở dãy Himalaya cách đây khoảng 2 – 3 triệu năm.
  • Theo nhiều nguồn tài liệu ghi chép khác thì sự có mặt của cây lúa trồng ở Trung Quốc khoảng 2800 – 2700 năm TCN.

Về sự xuất hiện của cây lúa tại Việt Nam, nhiều tài liệu khảo cổ đáng tin đã chỉ ra rằng cây lúa được trở thành một nghề trồng phổ biến ở Việt Nam là vào thời kỳ đồ đồng (4000 – 3000 năm TCN).

Kết quả của những nghiên cứu đó cho thấy cây lúa được thuần hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới và được trồng sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Sự phát triển của lâu đời đã hình thành nên một nền văn minh lúa nước đầy đặc sắc và ấn tượng. Cũng chính vì lý do này, ở khu vực Đông Nam Á, lúa nước trở thành cây lương thực chủ đạo, dẫn đầu các loại khác như bắp, khoai,…

Xem thêm: Tổng quan về cây bắp 

II. Đặc điểm thực vật học của cây lúa

1. Bộ rễ của cây lúa

Các bộ phận cấu tạo của cây lúa

Lúa thuộc nhóm cây một lá mầm, rễ chùm. Bộ rễ thực hiện chức năng bám đất cố định cây, đồng thời hút nước và các chất dinh dưỡng để nuôi toàn bộ cây.

Ban đầu khi hạt mới nảy mầm, sẽ chỉ có một rễ mầm (rễ phối). Khi cây lúa có lá thật đầu tiên, thì bộ rễ phát triển có khoảng 4 – 6 rễ mới, càng phát triển số lượng rễ càng tăng lên.

Trên rễ lúa có hệ thống các lông hút có chức năng hút nước và các dưỡng chất từ đất. Lông hút này có thời gian tồn tại ngắn và sản sinh liên tục các lông hút mới.

Trung bình mỗi khóm lúa có khoảng 500 – 800 rễ, số lượng rễ sẽ phụ thuộc vào giống canh tác.Bộ rễ cây lúa không ăn sâu mà nằm chủ yếu ở tầng đất mặt. 

Ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, rễ lúa phát triển theo chiều ngang. Đặc biệt là giai đoạn đẻ nhánh rễ không ăn sâu mà chỉ cách mặt đất <10cm.

Ở giai đoạn trổ bông, rễ lúa sẽ phát triển đâm sâu xuống đất, có thể đâm sâu tới 40cm.

2. Thân cây

Dựa vào mặt hình thái, người ta chia thân lúa làm hai loại:

  • Thân giả

Là phần thân hình thành do các bẹ lá kết hợp lại với nhau. Thân giả được hình thành ở giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng của cây, phần này thường dẹp và xốp. 

  • Thân thật

Phần thân hình thành bởi sự kéo dài của các lóng. Tùy vào từng loại giống và điều kiện sinh trưởng mà số lượng đốt thân có thể dao động khác nhau, bình quân mỗi cây có khoảng 4 – 5 đốt thân.

Các đốt thân phát triển từ dưới lên. đốt sau dài hơn đốt trước, đốt sát bông là dài nhất, chiều dài của lóng này với bông lúa chiếm đến 90% chiều cao thân. Ba lóng cuối gần mặt đất thường ngắn, to, thành dày, đảm nhiệm chức năng giữ vững, năng đỡ cây, hạn chế đổ ngã.

Từ một thân cây lúa có thể đẻ nhiều nhánh, các nhánh này có đầy đủ các bộ phận để phát triển thành một cây độc lập cho năng suất như cây mẹ. Tuy nhiên, các thế hệ nhánh càng về sau sẽ giảm dần khả năng hình thành bông, hay còn được gọi là chồi vô hiệu.

Nghề trồng lúa giải quyết vấn đề an ninh lương thực Quốc gia và cải thiện đời sống cho bà con nông dân

3. Lá lúa

Cây lúa có 3 loại lá: lá bao mầm, lá không có phiến lá (lá không hoàn toàn) và lá thật.

Cấu tạo hoàn chỉnh của một lá lúa gồm có: phiến lá, thìa lìa, cổ lá, tai lá, bẹ lá.

Phiến lá là nơi diễn ra quá trình quang hợp tích lũy đường bột cho cây, chính vì thế đây là bộ phận quan trọng nhất của lá cây. Phiến lá lúa có các đường gân chạy song song dọc theo chiều dài phiến. Mỗi loại giống khác nhau sẽ có hình dạng các phiến lá khác nhau.

Một điểm đặc biệt của cây lúa đối với các cây thuộc họ hòa thảo khác là “tai lúa”. Tai lúa phát triển và lớn dần ở “thì con gái (giai đoạn làm đòng) đạt kích thước tối đa. Khi cây càng về già tai lúa sẽ rụng đi.

Các lá lúa trên thân cây nằm so le nhau. Đối với các giống càng dài ngày thì số lượng lá trên cây càng nhiều, biến động số lá trên lúa khoảng 10 -21 lá.

Lá lúa được hình thành cuối cùng được gọi là lá đòng. Lá đòng nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong việc tổng hợp đường bột và nuôi dưỡng bông lúa về sau.

Lá thứ hai (tính từ trên xuống) được gọi là lá công năng do chúng hoạt động mạnh nhất. Trên một cây có nhiều nhánh nên thường có nhiều lá công năng hoạt động cùng một lúc. Lá lúa có xu hướng “kẻ đi trước nhường bước người tới sau”, tức lá là sau ra thì lá trước sẽ lụi đi, nên trên mỗi cây lúa thường chỉ duy trì 4 – 5 lá xanh.

4. Bông lúa, hoa và hạt

  • Bông lúa
Đặc điểm hình thái của hoa lúa

Bông lúa gồm có các phần: trục bông, gié cấp 1 (xuất phát từ trục bông), gié cấp 2 (xuất phát từ gié cấp 1), các hoa nằm trên gié cấp 2, phần đầu bông nằm trên gié cấp 1.

Một cây lúa thường có 9 – 15 gié cấp 1, 22 – 30 gié cấp 2 và khoảng 100 – 150 hoa.

  • Hoa lúa

Hoa lúa gồm có: cuống hoa, lớp mày (kém phát triển), vỏ trấu ngoài, vỏ trấu trong, 2 mày trấu, 6 nhị đực, nhụy và râu.

Mô tả cấu tạo của một “Hoa lúa”
  • Hạt lúa

Hạt lúa bản chất là một quả dĩnh (tức là loại quả không có vỏ hạt hoặc vỏ hạt rất mỏng nên dính liền với nội nhũ):

Vỏ trấu: gồm một mảnh to và một mảnh nhỏ ôm lấy màu, màu sắc khác biệt giữa các loại giống.

Mày trấu: mỗi hạt có sẽ có 2 mày trấu đính liền với phần cuống

Hạt gạo: gồm có nội nhũ và phôi.

+ Nội nhũ: được bao bọc bởi lớp vỏ cám. Đây là bộ phận dự trữ dinh dưỡng để nuôi phôi, cung cấp dinh dưỡng để phôi phát triển thành cây mạ.

+ Phôi nằm ở phía cuống hạt. Khi đủ điều kiện, phôi phát triển thành rễ và mầm.

Trên đây là tổng hợp một số thông tin cơ bản về hình thái của cây lúa. Hiểu rõ từng chức năng của từng bộ phận sẽ giúp người trồng đưa ra những đánh giá chính xác, những biện pháp xử lý hợp lý khi cây lúa có vấn đề.